“Đôi mắt là nơi phản chiếu thành thật nhất về mỗi con người. Cả ký ức, hiện tại lẫn toàn bộ cuộc đời…”
Hoàng Anh Tú
CĂN PHÒNG TRẮNG- KÝ ỨC TRẮNG
Căn phòng trắng toát. Ga giường trắng toát. Cả khung giường cũng trắng toát. Xung quanh chỉ là một màu trắng. Tôi phải cố gắng điều tiết mắt mất một lúc mới nhận ra mọi thứ xung quanh. Nhận ra rồi nhưng vẫn không biết mình đang ở đâu. Trên bốn bức tường, không có một thứ đồ vật gì treo trên đó cả. Chỉ là một màu trắng. Cả bộ quần áo tôi đang mặc cũng màu trắng. Đầu óc tôi lúc này cũng rỗng tuếch. Phải nói chính xác là như một cuốn băng trắng. Tôi không nhớ nổi vì sao tôi nằm ở đây. Trước lúc đó tôi là ai và tôi đã ở đâu, tôi cũng không nhớ nữa. Hoàn toàn không nhớ. Như thể một chiếc máy tính mất sạch dữ liệu vậy.
– Nó là biến chứng sau một cú sốc! Anh tạm thời sẽ bị mất trí nhớ! Nhưng không sao đâu, anh sẽ nhớ lại thôi! Cứ từ từ…
Tôi giật nảy mình nhìn quanh. Và tôi nhìn thấy một khuôn mặt. May thay, nó không trắng toát. Một khuôn mặt con gái. Đôi mắt to và đuôi mắt khá dài. Hàng lông mày thanh mà rất sắc. Sống mũi cao. Có một chiếc lúm đồng tiền nhỏ xíu bên má phải. Và đôi môi thật sự là vưu vật của tạo hóa, một đôi môi rất đẹp với viền môi rõ nét. Một đôi môi hình trái tim. Cô giấu tóc trong chiếc mũ trắng. Nhưng những lọn tóc mai của cô khiến tôi có thể khẳng định về một mái tóc đẹp. Cô gái chừng 20 tuổi và đang khoác trên mình một bộ quần áo trắng tinh hòa lẫn cùng màu trắng của căn phòng.
– Em là Lam! Em có mặt ở đây để giúp anh hồi phục trí nhớ.
Cô gái nói và đi lại phía tôi. Một mùi hương rất đặc biệt. Đó không thể là mùi nước hoa được. Bởi tôi là người khá rành rẽ về nước hoa. Tôi nghĩ vậy. Có lẽ trước khi nằm ở đây, tôi là một người chuyên buôn bán nước hoa hoặc có thể là một chuyên gia về nước hoa. Bởi thế nên gần như ngay lập tức, trong đầu tôi như thể có một chiếc máy scan nhanh vô cùng hơn 15 hãng nước hoa với những mùi hương đặc trưng của từng hãng. Mùi thơm từ cô gái không phải mùi nước hoa. Nhưng nó rất thơm. Thơm một cách đặc biệt dễ chịu.
– Tôi đã ở đây bao lâu rồi? Và ở đây là ở đâu?
Tôi gắng gượng ngồi dậy nhưng Lam- cô gái ấy, đã giữ tôi lại.
– Anh cứ nằm đi! Đừng vận động nhiều. Rồi mọi thứ cũng ổn cả thôi!
Lam mở ngăn kéo đầu giường ra, lôi một tập hồ sơ và bắt đầu quá trình hồi phục trí nhớ cho tôi.
HỒ SƠ BỆNH ÁN
Đinh Vũ Hoài Nam, 20 tuổi. Tai nạn ngày 14/7/2011. Tình trạng trước khi nhập viện: Tình trạng lơ mơ, đầu chảy máu, mắt phải sưng to, không mở ra được. Toàn bộ gương mặt bị biến dạng. Gãy xương chân. Chẩn đoán: Chấn thương sọ não và mù mắt phải do ngã xe. Sau khi chụp C.T, phát hiện bệnh nhân bị chấn thương sọ não và vỡ trần hốc mắt phải do máu tụ ngoài màng cứng chèn ép dây thần kinh số 2 gây mù mắt. Bệnh viện đã tiến hành mổ lấy 50gr máu tụ ngoài màng cứng và phẫu thuật lần hai lấy máu tụ trong mô ô mắt, niêm mạc mắt bị tổn thương. Phẫu thuật lần ba: ghép giác mạc. Phẫu thuật lần thứ tư: Phẫu thuật chỉnh hình lại toàn bộ gương mặt. Phẫu thuật lần thứ năm: Nối khớp xương chân. Phẫu thuật lần thứ sáu: Đắp lại toàn bộ da mặt và chỉnh hình lần thứ 7 cho khuôn mặt.
– Thật là kinh khủng!
Tôi thốt lên sau khi được Lam đọc cho nghe qua bệnh án. Tổng cộng 6 lần phẫu thuật. Tôi đã bị mù và đã được ghép giác mạc. Khuôn mặt của tôi lúc này đã trải qua 7 lần chỉnh hình. Tôi bỗng muốn nhìn thử khuôn mặt qua 7 lần chỉnh hình. Lam như hiểu điều tôi đang nghĩ, cô đưa tôi một chiếc gương trang điểm của cô.
– Anh đừng quá lo lắng vì khuôn mặt anh lúc này trông cũng còn rất đẹp trai.
Tôi cầm chiếc gương và hồi hộp vô cùng. Và khuôn mặt tôi- một khuôn mặt quen quen nhưng lại vô cùng lạ lẫm. Tôi không tài nào nhớ nổi khuôn mặt cũ của mình thế nên tôi cũng không thể so sánh được khuôn mặt lúc này với khuôn mặt trước kia khác nhau ra sao. Nhưng nhìn khuôn mặt này, tôi cũng không quá phiền lòng. Đôi mắt có vẻ to và rất sáng. Sống mũi hơi gãy. Mặt hơi vuông. Cái miệng là thứ xấu nhất: Môi mỏng và miệng rộng khiến tôi liên tưởng đến con cá ngão. Những vết khâu đã mờ dần đi và không còn thấy rõ nữa. Lam mỉm cười nhìn tôi:
– Thế nào, anh?
Tôi nhún vai:
– Còn hơn một khuôn mặt chằng chịt và lồi lõm. Tôi thích đôi mắt. Nó sáng.
Lam mỉm cười:
– Vâng! Đôi mắt của anh thật đẹp. Nhưng đôi mắt ấy không phải của anh đâu. Nó thuộc về cậu thanh niên tên Phan Nam Anh- người đã bị coi là tử vong hôm 14/7. Anh đã được gia đình cậu ấy hiến tặng đôi mắt này đấy! Trong hồ sơ bệnh án cũng ghi lại việc này.
– Trời! Vậy là cái đẹp duy nhất trên gương mặt này cũng không phải là của tôi sao? Đùa thôi, sau khi hồi phục, chắc chắn tôi sẽ đến thắp nhang cho cậu ấy và cảm ơn bố mẹ cậu ta.
– Anh sẽ sớm gặp họ thôi!
– Họ đến đây?
– Vâng! Toàn bộ chi phí thực hiện cuộc phẫu thuật này đều do họ chi trả. Anh đang ở trong khu nghỉ dưỡng của họ và được các bác sỹ hàng đầu phẫu thuật mà.
– Trời! Sao tôi có thể may mắn đến như vậy?
– Bởi anh là chủ nhân mới của đôi mắt con trai họ.
– Thật không sao nói nên lời với tấm lòng của họ. Tôi mong được gặp họ quá!
– Anh có biết đôi mắt là thứ không thể chỉnh hình, thay đổi không? Một người phẫu thuật thẩm mỹ có thể gọt cằm, nâng mũi hoặc thậm chí đắp thêm da thịt để biến đổi hình dạng nhưng đôi mắt thì không bao giờ thay đổi được. Chỉ trừ khi anh được thay bằng một đôi mắt mới hoàn toàn. Bằng không, sẽ không bao giờ thay đổi được nó.
– Tôi hiểu! Đôi mắt của mỗi con người là vô cùng quý giá!
– Mọi người rồi sẽ cho anh biết về cái gọi là KÝ ỨC PHẢN CHIẾU. Theo đó, trong mười triệu ca ghép giác mạc, thay mắt sẽ có 1 ca người được ghép giác mạc sẽ nhìn thấy ký ức của người hiến tặng.
– Thật vậy sao? Có nghĩa là tôi rất có thể sẽ nhìn thấy ký ức của cậu Phan Nam Anh kia?
– Rất có thể! Và nếu điều đó xảy ra anh sẽ phải chiến đấu để nhận ra đâu là ký ức thật sự của mình đấy!
Lam nhìn tôi, đôi mắt cô ta ánh lên một tia nhìn rất khó hiểu. Tôi cố gắng tự trào một cách miễn cưỡng:
– Có khi nào tôi sẽ được sử dụng song song cả hai ký ức không nhỉ? Cũng vui đấy chứ khi được sống thêm một ký ức của người khác, biết được những bí mật cực riêng tư của họ trong quá khứ! Được trải nghiệm những cảm xúc mà quá khứ mình chưa từng trải qua.
– Em không nghĩ điều đó là vui đâu! Nhưng thôi, em phải đi rồi! Hẹn gặp lại anh vào một ngày không xa.
– Lam đi đâu?
– Em phải về nhà thôi! Nhưng em sẽ gặp lại anh.
HỒI PHỤC THẤT BẠI
Bắt đầu là cái tên của tôi. Khi đó,Lam đã đi, chỉ còn mình tôi ở lại trong căn phòng màu trắng. Tôi giết thời gian bằng cách cầm hồ sơ bệnh án lên đọc lại. Nhìn cái tên, tôi cố gắng nhớ lại. Nhưng tuyệt nhiên, cái tên ấy hoàn toàn xa lạ với tôi. Đinh Vũ Hoài Nam. Tôi cố nhắm mắt và thả lỏng đầu óc để chờ đợi một vài ký ức về cái tên hiện về. Nhưng tuyệt nhiên không. Chẳng có một ký ức nào về cái tên đó cả. Thật là tệ, đến cái tên của mình cũng không nhớ thì rõ ràng tôi mất trí nhớ thật rồi. Có lẽ là do việc tôi đã bị chấn thương sọ não ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ. Luẩn quẩn, tôi tự hỏi: Nếu vĩnh viễn không thể nào nhớ lại ký ức 20 năm qua thì sao? Nghĩ thôi mà đã lạnh toát cả người. Tôi cố gắng ngồi dậy. Đôi chân vẫn đang bị nẹp cứng.
– Con dậy rồi à?
Một giọng nói ngoài cửa vang lên. Tôi nhìn ra và bỗng ngẩn ngơ. Một người đàn ông xa lạ đang tiến vào. Tôi gắng gượng mỉm cười:
– Dạ…
Người đàn ông cười trông rất dễ mến:
– Bác sỹ bảo con đang tạm thời mất trí nhớ! Có thể con sẽ không nhận ra ba đâu nhưng ba thì luôn nhận ra con cho dù khuôn mặt con đã biến đổi thế nào đi nữa.
– Chú là bố của cháu?- Tôi ngạc nhiên xen lẫn cảm giác có lỗi.
– Phải! Ba của con đây!- Người đàn ông xoa đầu tôi- Rồi con sẽ nhớ lại thôi!
– Con thật sự xin lỗi… ba! Quả thật, con không nhớ nổi.- Tôi lí nhí- Ba có thể giúp con kể lại những chuyện ấn tượng nhất của hai ba con mình ngày xưa được không? Có thể điều đó sẽ giúp con phục hồi trí nhớ ạ!
– Cứ từ từ, không phải vội đâu! Ba con mình làm quen trở lại với nhau nhé!
– Vâng, ba!
– Ba tên là Đinh Văn Luyện! Ba có con năm ba 27 tuổi. Trước đây, ba đi làm công nhân ở một xưởng chế biến thịt heo. Ba vẫn hay dắt con lên xưởng của ba chơi hồi con bé xíu. Đến đây con đã có chút ấn tượng nào chưa?
Tôi ái ngại lắc đầu. Ba tôi mỉm cười rất hiền:
– Không sao! Không sao! Hồi con học cấp 1, ba và mẹ con ly hôn. Ba dành quyền nuôi con. Mẹ của con đã đi theo một người đàn ông Đài Loan và cho đến tận giờ vẫn chưa về.
Tôi cố nhắm mắt hình dung về mẹ nhưng quả thật, tôi không tài nào nhớ ra. Tôi lại lắc đầu. Ba tôi vẫn dịu dàng:
– Không sao! Khi con học lớp 5, ba kiếm được một công việc trên Hà Nội thế là hai ba con mình đã từ giã vùng quê để lên Hà Nội sống. Hôm 14/7 vừa rồi, trước khi con bị tai nạn, con với ba đã cãi nhau một trận inh ỏi.
– Cãi nhau ư?
– Phải! Lỗi tại ba! Vì ba đã chỉ áp đặt con phải theo ý ba. Con đã lớn rồi, con có quyền tự quyết cho cuộc đời của mình.
Tôi cảm thấy rưng rưng, lí nhí, tôi bảo:
– Con xin lỗi ba!
Hai cha con ngồi im lặng. Tôi nhìn mắt ba buồn rười rượi mà lòng cũng chùng hẳn xuống. Một lúc, ba cười rất tươi:
– Thôi, không sao! Cứ từ từ, con nhỉ? Ba tin rằng con sẽ sớm lấy lại ký ức của mình.
Tôi cũng cố gắng cười với ba.
CHỦ CŨ CỦA ĐÔI MẮT
Phan Nam Anh, 20 tuổi. Con trai độc nhất của một đại gia bất động sản. Gây tai nạn ngày 14/7/2011 khiến một cô gái bị tử vong. Bản thân Phan Nam Anh cũng tử vong trên đường tới bệnh viện. Vừa lúc, Đặng Vũ Hoài Nam- một bệnh nhân được chuyển vào đó trước 4 giờ đang cần được ghép giác mạc, được bác sỹ vận động, mẹ của Phan Nam Anh đã chấp thuận tặng lại giác mạc cho Đặng Vũ Hoài Nam. Thậm chí, bà còn bỏ tiền ra mời những bác sỹ hàng đầu về phẫu thuật cho Đặng Vũ Hoài Nam. Chưa hết, bà còn đề nghị đưa Đặng Vũ Hoài Nam cùng các bác sỹ về resort của bà để chữa trị. Lý giải về việc này, bà nói: Tôi đã mất đi đứa con độc nhất của mình rồi. Tôi không muốn thấy bất cứ một đứa trẻ nào cũng sẽ ra đi nữa. Phận làm bố, làm mẹ, đau đớn nhất là phải tiễn con mình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Phan Nam Anh được các bác sỹ xác nhận tử vong, vụ án gây tai nạn giao thông của Phan Nam Anh được khép lại. Gia đình cậu ta cũng đã bồi thường cho gia đình nạn nhân nên được gia đình nạn nhân bãi nại.
– Ba giới thiệu với con bố mẹ của cậu thanh niên đã hiến tặng đôi mắt cho con nhé!
Ba tôi bước vào phòng cùng hai người lạ. Vừa nhìn thấy họ, tôi cảm thấy như một luồng điện chạy trong người. Một cảm xúc rất dữ dội đang tuôn trào trong tôi. Và nó khiến tôi bật lên tiếng gọi:
– Bố! Mẹ!
Hai người họ òa khóc và ôm chầm lấy tôi:
– Con! Con trai của bố mẹ!
Người đàn ông xưng là ba tôi bỗng lúng túng. Người đàn ông đi cùng người phụ nữ kia nhận ra vẻ lúng túng của ba tôi nên kéo tay người phụ nữ lại. Ông gạt nước mắt nói:
– Có lẽ đó chính là thứ mà bác sỹ bảo: Ký Ức Phản Chiếu.
Ba tôi cũng gật đầu:
– Phải! Là Ký Ức Phản Chiếu.
Tôi ngẩn người. Liệu có thật là Ký Ức Phản Chiếu không? Có lẽ nào cảm giác mà tôi đang có là bởi đôi mắt này thuộc về con trai của hai người kia? Đến lúc này thì những ký ức ùa về như sóng vỗ. Tôi thấy tôi những ngày thơ bé được hai người kia đưa đi ăn, đưa đi học, đưa đi chơi. Tôi thấy tôi những bữa cơm bên chiếc bàn lớn, mẹ đang gắp cho tôi thức ăn. Bố nheo mắt nhìn tôi đầy khích lệ. Rõ ràng. Tôi nhớ cả lúc bố giận tôi, bố cầm một chiếc roi rất to để quật tôi. Mẹ thì ôm chặt lấy tôi. Và tôi nhớ cả khuôn mặt của mình. Người đàn ông chìa tấm ảnh ra:
– Đây là con của chú! Cháu thấy quen không?
Tôi cầm bức ảnh mà muốn òa khóc. Tôi nhớ rõ bức ảnh này do bố chụp tôi hồi tôi vào lớp 10. Người đàn ông xưng là ba của tôi thì lúng túng:
– Không sao! Không sao! Ký Ức Phản Chiếu qua đôi mắt…
Tôi thấy đau đầu dữ dội. Tôi nhắm nghiền mắt lại.
SỐNG CÙNG KÝ ỨC ĐI MƯỢN
Đã 1 tháng trôi qua kể từ khi tôi tỉnh giấc. Tuyệt nhiên vẫn chưa có ký ức nào của tôi, thực sự là của tôi, trở về. Thay vào đó là những ký ức của người thanh niên đã hiến đôi mắt cho tôi. Cậu ta tên là Phan Nam Anh. Bằng tuổi với tôi. Bố mẹ cậu ta- hai người đã tới thăm tôi hôm trước- đều là những đại gia bất động sản lớn nhất nhìn nước. Khu resort này cũng là của họ. Chính họ bỏ tiền ra để thuê toàn bộ các bác sỹ hàng đầu về chữa trị cho tôi. Họ chỉ muốn được qua thăm tôi mỗi cuối tuần để họ bớt nhớ con trai độc nhất của họ. Ba tôi đã đồng ý. Tôi cũng thấy việc gặp họ là điều phải làm. Không chỉ vì con trai của họ đã hiến tặng đôi mắt cho tôi mà còn là một tình cảm thiêng liêng dành cho họ ở trong tim tôi. Một thứ tình cảm có lẽ phát xuất từ đôi mắt này, từ ký ức mà tôi đang sống cùng dù nó chẳng phải là của tôi.
Những bữa cơm cuối tuần bên họ, tôi cảm thấy thân thuộc vô cùng. Tôi mong ngóng đến ngày cuối tuần để được gặp họ. Và họ cũng vậy. Nhưng với ba tôi thì không. Tôi vẫn thường thấy ông ngồi uống rượu một mình. Uống rất say. Tôi cũng thường bắt gặp ông nhìn tôi đầy quan thiết. Nhưng tuyệt nhiên trong tôi hoàn toàn vô cảm trước ông. Tôi vẫn gọi ông là ba nhưng cái từ “ba” ấy nghe gượng gạo vô cùng.
Những ngày này, tôi hoàn toàn sống cùng ký ức của Phan Nam Anh. Thật ra tôi cũng không nhận ra đâu là ký ức của Phan Nam Anh và đâu là ký ức thật của tôi. Chỉ là một cảm giác rất kỳ lạ rằng tôi đang hoàn toàn thuộc về ký ức của Phan Nam Anh. Còn với Đinh Vũ Hoài Nam thì không có một chút nào. Tôi dám chắc nếu ai đứng đằng sau tôi lúc này và gọi Nam ơi, tôi sẽ không quay lại. Nhưng nếu là Nam Anh ơi, tôi sẽ không thể không quay lại.
Việc phải sống cùng ký ức của người khác không dễ chịu một chút nào. Nhất là khi ký ức của chính bạn thì bạn lại quên béng đi. Điều đó thật sự hoang mang và đáng sợ như việc bạn để một hồn ma sống cùng với bạn vậy.
KÝ ỨC TRỐNG RỖNG
Tôi đã hoàn toàn hồi phục. Riêng chỉ ký ức của chính tôi là không sao nhớ lại nổi. Cho dẫu trong suốt thời gian qua, ba liên tục ở bên cạnh tôi và kể cho tôi nghe những câu chuyện về quá khứ của tôi. Nhưng tôi hoàn toàn không ấn tượng một chút nào về những câu chuyện ba kể cả. Trong tôi, đáng sợ là chỉ toàn ký ức của Phan Nam Anh- người đã tặng đôi mắt cho tôi. Dù đó là những ký ức không liền mạch song nó cũng đủ để tôi nắm bắt được hầu hết cuộc đời của Phan Nam Anh. Từ một vài thày cô giáo cũ mà cậu ta đã từng học qua đến những người bạn và cả một cô gái là bạn gái của cậu ta. Tôi nhớ rõ tên của cô gái ấy, khuôn mặt của cô gái ấy. Thậm chí, cả những hình ảnh rất riêng tư giữa cô ấy với bạn trai- tức là Nam Anh. Hai người họ đã từng nói gì, đi đâu và làm những gì, tôi đều “thấy” rõ. Chỉ tình yêu là không. Dường như Phan Nam Anh chưa từng yêu cô gái đó. Cậu ta chỉ cần cô gái đó như một người chơi cùng. Nhưng cô gái đó thì không hề hay biết. Cô ta rất tin vào tình yêu mà Phan Nam Anh nói cho cô ta. Trong suốt 20 năm ký ức của Phan Nam Anh, dường như cậu ta chẳng yêu một ai. Họa may là bố mẹ của cậu. Nhưng tình yêu ấy gần như chỉ là thứ bản năng của một người con chứ không nhiều hơn. Bố mẹ cậu thì khác. Họ rất yêu cậu. Càng biết nhiều về quá khứ của Phan Nam Anh thì tôi càng cảm thấy buồn bã khi nghĩ đến bản thân mình. Tôi là ai? Tôi đã từng sống thế nào trong suốt 20 năm qua?
Ba đến đưa tôi về. Bố mẹ của Phan Nam Anh cũng có mặt. Hai người nhìn tôi mà mắt ướt nhẹp. Tôi cũng xót xa và lưu luyến họ. Tôi bảo:
– Rồi cháu sẽ ghé thăm hai bác thường xuyên!
Bố mẹ Nam Anh lắc đầu:
– Không cần đâu con! Chúng ta sẽ đến thăm con mỗi khi chúng ta nhớ đến Nam Anh.
Tôi gật đầu. Ôm hai người thật chặt. Cảm giác rất ấm áp. Ba cũng rưng rưng nước mắt và xiết tay hai người ấy mà nói:
– Anh chị yên tâm! Rồi sẽ đến ngày đoàn tụ!
Hai người ấy cũng xiết tay ba tôi rất lâu. Tôi cảm giác như họ đang gửi gắm tôi cho ba vậy. Tôi biết, tôi đang giữ không chỉ đôi mắt của Nam Anh mà còn là ký ức của cậu ta.
Trên đường về, tôi cố gắng nhắm mắt hình dung ra căn nhà của tôi thế nào song tôi chỉ hình dung thấy căn phòng của Nam Anh trong một căn biệt thự lớn. Còn căn phòng của tôi thì sao? Tôi không tài nào nhớ nổi. Xe rời khu resort vào thị trấn và cứ thế đi thẳng về Hà Nội. Đoạn đường từ khu resort về Hà Nội rất quen thuộc. Như thể tôi hoặc có thể là Phan Nam Anh đã từng đi qua. Nhưng căn hộ chung cư nhà tôi thì không. Hoàn toàn không có một chút thân quen. Ba lái xe vào hầm trong khi tôi đứng bên ngoài chờ. Mọi người ở chung cư này hoàn toàn xa lạ với tôi. Họ thờ ơ khi thấy tôi. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên. Bởi điều đó có nghĩa là tôi hoàn toàn không có mối liên quan gì đến mọi người xung quanh cả. Liệu có phải tôi cũng giống Nam Anh, suốt 20 năm qua đều thờ ơ với mọi người xung quanh?
– Ba mới mua căn hộ chung cư này từ một người bạn.
Ba nói khi dắt tôi vào thang máy. Ra thế! Tôi bất giác thở phào. Tôi bảo:
– Căn nhà cũ của mình ở đâu hả ba?
Ba hờ hững:
– Bị giải tỏa rồi.
Tôi ngạc nhiên, bèn bảo:
– Mai hay lúc nào đó ba rảnh, ba cho con qua xem lại nhà cũ nhé! Con hy vọng nhìn thấy căn nhà cũ, con sẽ nhớ lại nhiều thứ!
Ba tôi ậm ừ. Căn hộ nằm trên tầng 19. Đây là tầng cao nhất của khu chung cư. Cả tầng có khoảng 4 căn nhưng hình như chỉ có căn của tôi là có người ở. Các căn khác đều khóa im ỉm. Tôi mang đồ vào phòng mình rồi nằm dài ra. Cảm giác trống rỗng. Một cái tủ cũ với những bộ quần áo cũ của tôi nhưng tôi nhìn nó một cách xa lạ. Cả những bức ảnh hai cha con chụp chung cũng khiến tôi xa lạ. Khuôn mặt tôi trước khi tai nạn cũng hoàn toàn xa lạ với tôi. Dù lúc so ảnh với gương mặt hiện tại thì cũng có nhiều nét hao hao giống nhưng tôi vẫn thấy xa lạ. Tôi như một kẻ chơi vơi giữa không trung vậy. Bạn có thể tưởng tượng ra việc bạn đánh mất đi hoàn toàn ký ức thế nào không? Đó là một cảm giác trống rỗng đến tồi tệ. Chới với. Tôi mệt mỏi quá! Việc cứ phải căng đầu óc ra để tìm kiếm ký ức của mình trong đống ký ức mạnh mẽ của người khác khiến tôi mất sức vô cùng. Tôi thả mình xuống giường và thiếp đi một lúc. Điện thoại réo. Tôi ngái ngủ và cầm máy lên. Trên màn hình là một chữ LAM. Là Lam gọi:
– Alô! Lam à?
– Vâng! Anh đã về rồi phải không? Em muốn qua đón anh đi dạo, anh có sẵn lòng không?
– Được! Tôi cũng đang đau đầu quá!
– Khoảng 15 phút nữa anh xuống đường nhé!
– Okie!
ĐƯỜNG DẪN KÝ ỨC
Lam qua đón tôi lúc 7h tối. Cô mặc một chiếc váy hồng và đội chiếc mũ hồng. Lam kiên quyết không cho tôi cầm lái. Cô bảo: Em sẽ đưa anh đi. Hy vọng những cung đường này sẽ giúp anh tỉnh thức cho ký ức của mình. Chúng tôi đi vòng vòng phố xá. Vẫn chỉ là ký ức của Phan Nam Anh khi tôi nhận ra những con đường quen thuộc. Cậu ta lái một chiếc BMW Z4 đỏ rực. Tôi cảm thấy rõ tiếng xe gầm lên. Cảm thấy rõ mùi nước hoa thơm thoang thoảng trong khoang xe. Đó là mùi gỗ thông rất dịu. Phan Nam Anh là một chuyên gia về nước hoa. Cậu có cả một bộ sưu tập lên đến cả nghìn chai nước hoa xịn. Điều này khiến tôi bất ngờ. Bởi nhờ đôi mắt của cậu mà khả năng đọc tên cũng như ngửi mùi là nhận ra hãng, nhãn, chai của tôi tăng kinh khủng. Lam nói khi đang đèo tôi đi một vòng hồ.
– Em thật sự rất muốn anh lấy lại được ký ức của anh song em cũng lại nghĩ rằng anh cũng nên có một ký ức mới. Hãy sống thật ổn cho hiện tại đi. Vì hiện tại chính là quá khứ của tương lai mà!
Tôi thở dài:
– Tôi biết! Nhưng dường như có một mong muốn nào đó luôn thôi thúc trong tôi phải tìm ra ký ức thật của mình. Tôi rất muốn biết 20 năm qua tôi đã sống thế nào. Nó như một món nợ. Phải đấy, từ đúng của nó là một món nợ mắc ngang tim tôi. Nếu không giải quyết được món nợ đó, tôi tin rằng đến tận cuối cuộc đời mình, tôi cũng không thể nào yên ổn được.
Tôi cứ lạc đi trong ký ức của Phan Nam Anh. Nhưng càng nối kết từng mảng ký ức của Phan Nam Anh lại thì tôi càng giận cậu ta. Giận điên lên ấy. Bởi cậu ta là một gã ích kỷ vô cùng. Tôi thấy những cuộc thác loạn mà Nam Anh đã tham dự. Ở đó, cậu đối xử với những người bạn như thứ công cụ của cậu chứ không phải là bạn. Những cuộc tình chóng vánh. Những phi vụ ăn chơi. Những khuôn mặt phê thuốc. Những lời lẽ khinh miệt.
Xe đi qua Hàng Mã. Những ngày này sắp đến Trung Thu nên phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu. Tôi nhìn ngắm những món đồ Trung Thu và cố nhớ xem trong suốt 20 năm qua, tôi đã trải qua mỗi mùa Trung Thu thế nào. Nhưng chỉ thấy những món đồ đắt tiền và không có ở Việt Nam. Bố mẹ của Nam Anh luôn đặt mua đồ chơi xịn từ nước ngoài về. Và chỉ là những ký ức của Nam Anh. Đang miên man, bỗng, trong dòng chảy cuồn cuộn những ký ức của Nam Anh, tôi giật thắt tim khi nhìn thấy một người. Là ba tôi. Đó là ba tôi. Một khoảnh khắc rất nhanh, tôi thấy ba tôi đang ngồi với bố mẹ của Nam Anh. Lúc đó, Nam Anh còn rất nhỏ. Ba tôi tặng cho cậu một chiếc tàu thủy chạy bằng xăng. Nam Anh rất thích chiếc tàu thủy đó. Nhưng bố mẹ của Nam Anh thì không. Bố mẹ của Nam Anh nói điều gì đó và ba tôi cầm chiếc tàu thủy về. Nam Anh thì nằm lăn ra đất khóc vật vã đòi cho bằng được chiếc tàu thủy. Cậu ta nhìn theo ba tôi đầy nuối tiếc. Cảm giác nuối tiếc rõ đến mức lúc này đây, nghĩ lại, tôi cũng cảm thấy nuối tiếc theo. Manh mối này khiến tôi ngạc nhiên vì ba luôn nói rằng đây là lần đầu tiên ba nói chuyện với bố mẹ Nam Anh. Tại sao ba nói dối tôi?
– Liệu có ai đó giống ba anh chăng?
– Không! Tôi chắc chắn đó chính là ba tôi.
Lam rẽ sang đường khác. Con đường ấy vừa thấy đã khiến tôi tiếp tục đau thắt tim lại. Con đường mà Nam Anh đã gây tai nạn 2 tháng trước, ngày 14/7. Nam Anh lái chiếc Z4 phóng với tốc độ gần 200km/h. Và phía trước, một cô gái mặc chiếc váy hồng đội một chiếc mũ hồng. Là Lam. Tôi lạnh toát người. Chân đạp cứng xuống chỗ để chân những mong chiếc Z4 không tông vào Lam. Nhưng không thể. Lam bị hất tung lên. Tôi bấu chặt vào đùi của mình. Chiếc Z4 cũng lật nhào. Nam Anh đang bắn ra khỏi xe. Tôi cảm nhận rõ bầu trời rất cao và xanh. Lam nằm sõng xoài bên vũng máu. Nam Anh lịm đi. Mắt tôi cũng tối sầm lại. Tôi cảm nhận rõ mình đang bồng bềnh trôi. Cái mỉm cười từ hiền của Lam ở phía trước. Tôi đang bồng bềnh trôi theo cái mỉm cười ấy. Bồng bềnh. Bồng bềnh.
TỈNH GIẤC
Tôi bật dậy. Mồ hôi nhễ nhại. Nhìn quanh, vẫn là căn phòng mà ba tôi đã đưa tôi về. Điện thoại vẫn nắm chặt ở tay. Số điện thoại của Lam không có trong danh bạ. Cuộc gọi đi gần nhất là gọi cho ba tôi. Trong danh bạ chỉ có số của ba và bố mẹ của Nam Anh. Lam đâu? Lam đâu rồi? Lam trong căn phòng trắng có thật không? Tôi gọi điện cho bố mẹ Nam Anh:
– Cháu muốn biết tên cô gái mà Nam Anh đã gây tai nạn?
– Sao vậy con- mẹ Nam Anh ngạc nhiên.
– Vâng! Bởi cháu muốn chứng thực một điều. Bác có thể cho cháu biết được không ạ?
– Ta không biết rõ lắm đâu nhưng con bé ấy tên là Lam thì phải. Ta cũng đã bồi thường cho gia đình cô bé ấy rồi. Gia đình cũng không truy cứu nữa. Sao con lại muốn biết tên cô bé ấy?
– Bởi vì…
Tôi ngắt máy. Tôi không nói gì nữa. Bởi vì tôi đã thấy nụ cười của Lam. Nhiệm vụ của cô đã hoàn thành. Cô muốn cho tôi biết một sự thật. Tôi chạy ra khỏi phòng mình. Ba tôi đang nằm ngủ trên chiếc ghế salon. Những chai rượu nằm lăn lóc. Ông đã say quá rồi. Bức ảnh Đinh Vũ Hoài Nam nằm bên cạnh. Dường như ông đã ngắm nó suốt buổi. Một chiếc băng đen lấp ló trong túi áo của ông. Tôi lấy chìa khoá xe của ông. Tôi đi theo ký ức của Phan Nam Anh chỉ dẫn. Đến ngôi biệt thự nhà của Phan Nam Anh. Mọi thứ như rất rõ ràng. Tôi có thể biết chiếc chìa khoá cửa tôi cất giấu ở đâu. Tôi cứ đứng đó như trời trồng. Nhìn vào căn biệt thự. Vừa lúc, mẹ của Nam Anh mở cửa. Bà nhìn thấy tôi và rất ngạc nhiên:
– Nam Anh! Con làm gì ở đây vậy?
Rồi như nhận ra mình đã lỡ lời, bà khoả lấp:
– Đôi mắt của con khiến ta gọi nhầm tên. Hoài Nam, con sao tìm ra nhà ta? Vào đây đã!
Tôi đi vào. Từng gốc cây, từng vuông gạch đều rõ rệt như in. Con chó béc giê nhảy xổ ra. Nó nhìn tôi và sủa. Tôi khẽ nói với nó: Đa Nhen, chào mày! Con chó như nhận ra tôi, nó quẫy đuôi mừng vui khôn xiết. Mẹ của Nam Anh nhận ra điều đó. Và bà oà khóc.
– Hãy tha lỗi cho mẹ! Bởi mẹ không muốn con phải ngồi tù! Bao nhiêu tiền cũng được. Dù phải bán hết cơ nghiệp để bảo vệ con, mẹ cũng chịu! Không ai biết! Không ai biết đâu con trai ạ! Mọi thứ đã được bố con sắp xếp chu đáo rồi!
Mẹ Nam Anh cứ thế mà nói. Tôi lặng người đi. Lam đã đúng. Cô đã cho tôi tìm ra sự thật này. Mẹ của Nam Anh vẫn không ngớt khóc lóc:
– Con hãy tạm thời sống dưới cái tên Đinh Vũ Hoài Nam ấy một thời gian cho mọi thứ thật sự yên ổn. Dù con đã đổi thay hết toàn bộ khuôn mặt, sống dưới một cái tên khác thì con vẫn là con của mẹ. Chú Luyện là người đáng tin của gia đình mình. Chú ấy nợ bố con rất nhiều nên chú ấy buộc phải trả nợ. Con trai duy nhất của chú ấy bị ung thư. Bất quá chỉ là chết sớm hơn dự kiến một chút nhưng đổi lại, chú ấy sẽ có con thay thế cùng căn hộ chung cư và đủ tiền để tiêu đến cuối đời. Đừng lo con nhé!
Tôi đau thắt tim mình khi hình dung ra ba tôi- không, là ba của Đinh Vũ Hoài Nam đã buộc phải kết thúc sự sống của con trai mình, dù sự sống đó chỉ được tính bằng ngày giờ. Và đứa con ấy phải chết đi dưới một tên gọi khác: Phan Nam Anh. Một kế hoạch hoàn hảo với sự trợ giúp của rất nhiều tiền được đổ ra. Một đám ma mà kẻ chết phải mang một cái tên khác. Và để tồn tại, một người sống phải mang cái tên khác, khuôn mặt khác. Mẹ của Nam Anh vẫn giữ chặt tay tôi:
– Với mẹ, con là tất cả.
Tôi những muốn hỏi mẹ: Vậy còn Lam, còn Hoài Nam? Nhưng tôi đã không hỏi. Tôi đứng dậy và đi ra cửa. Mẹ Hoài Nam vẫn đuổi theo sau tôi nhưng tôi không nghe thấy gì hết. Tôi đi thẳng đến đồn công an gần nhất. Tôi muốn đầu thú.
VĨ THANH
Người công an trực ban đọc xong toàn bộ lời khai của tôi và nhìn tôi rồi nói:
– Trong khi chờ so sánh mẫu ADN, có một điều tôi rất muốn hỏi cậu. Đó là tại sao cậu muốn đầu thú khi mà vụ án này về cơ bản đã được khép lại? Có nghĩa là cậu sẽ an toàn dưới cái tên Đinh Vũ Hoài Nam và sẽ được chăm sóc đến tận răng từ sản nghiệp dòng họ Phan? Cậu có biết điều gì đang chờ đợi cậu ở phía trước không?
Tôi nhìn thẳng vào mắt người công an trực ban và mỉm cười:
– Tôi chỉ biết rằng có 2 người trẻ 20 tuổi như tôi sẽ yên lòng vì công lý được thực thi. Và tôi biết rằng làm vậy để tôi có thể sống với chính bản thân mình!
Tôi đã nói thật lòng mình. Và cảm thấy rất thanh thản. Hôm ấy nhằm đúng ngày 22/9, sau gần 2 tháng vụ án gây tai nạn của Phan Nam Anh xảy ra. Công lý đã được thực thi.
Hà Nội, tháng 9/2011
HOÀNG ANH TÚ
© 2011, nicky. All rights reserved.
“hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi 3- Trái tim tỉnh thức”
Như thế mới chính là chính nhân quân tử chứ. Truyện hay, mặc dù SE